Cảm xúc của bạn và cảm xúc của người khác có thể sẽ ngáng trở việc đảm bảo có những bước rõ ràng tiếp theo. Điều quan trọng là phải có những cuộc trò chuyện chín chắn, xác đáng, thận trọng và không mơ hồ.
Ý tưởng
Ta có thể tự đẩy mình vào hoàn cảnh nghĩ rằng nếu ta quá thành thật với ai đó có thể lại là tàn nhẫn không cần thiết. Nhưng sẽ là cực kỳ tàn nhẫn với người khác nếu ta tỏ ý rằng hiệu quả công việc của họ tốt và triển vọng của họ thật xán lạn trong khi cả hai đều không thật. Đôi khi ta buộc phải ‘xử ác vì muốn tốt’.
Nếu thành tích làm việc của ai đó không tốt và cần phải cải thiện, và nếu triển vọng của họ không mấy hứa hẹn thì nhiệm vụ nói thật là quá rõ ràng. Ta được lựa chọn sẽ trình bày những lo ngại ấy với đối tượng như thế nào. Ta có thể trình bày bằng tông giọng có vẻ thô bạo và không hỗ trợ. Ta cũng có thể thành thực trong đánh giá khi ý thức được tại sao việc này lại xảy ra và có tính xây dựng về những bước khả dĩ tiếp theo.
Tạo ra bối cảnh phù hợp cho một cuộc trò chuyện thẳng thắn là điều then chốt. Đó phải là một không gian riêng tư với đủ thời gian để đối tượng hấp thu những gì được nói ra. Phản hồi cần được đưa ra theo cách cho phép có phản ứng cảm xúc và rồi đến thời gian để nghĩ thông về các bước mang tính xây dựng tiếp theo.
Một cuộc trò chuyện thẳng thắn không hề đồng nghĩa với kiểu phản hồi thô bạo, lạnh lẽo và cộc cằn, mà nghĩa là thông điệp phải rõ ràng, đối tượng được yêu cầu nói xem họ đã nghe những gì và những bước tiếp theo họ dự tính thực hiện là gì. Trung thực trong trò chuyện là cởi mở dựa trên những bằng chứng rõ ràng. Chủ yếu tập trung vào hiệu quả làm việc của đối tượng chứ không công kích cá nhân người đó.
Một cuộc trò chuyện thẳng thắn càng dựa trên những bằng chứng xung quanh nhiệm vụ hiện tại của họ nhiều bao nhiêu, không chỉ trích tính cách, thì càng ít đáng sợ và triển vọng có được một kết quả tích cực càng lớn bấy nhiêu. Khi nỗ lực để trò chuyện thẳng thắn với ai đó, việc làm đúng đắn là tự hỏi bản thân xem bạn đã thành thực với chính mình về những bằng chứng có được và về kết quả bạn muốn đạt tới chưa? Nếu đã đến lúc ai đó nên ra đi, có thể bạn cần bước ra khỏi vùng an toàn và thẳng thắn chứ không che đậy quan điểm của mình bằng quá nhiều lời lẽ vòng vo.
Jeremy biết rằng đã đến lúc phải có một cuộc trò chuyện thẳng thắn với George. Anh chờ để có những bằng chứng thể hiện trên những hợp đồng George đang thực hiện. Từ những bằng chứng này, Jeremy nói với George rằng họ cần phải nói chuyện về những bước tiếp theo, ngày diễn ra cuộc nói chuyện được thống nhất với nhau trước vài hôm. Jeremy thẳng thắn về bằng chứng và hỏi George xem anh này thấy các lựa chọn nên là gì. Khi George miễn cưỡng nói ra, Jeremy trình bày một loạt khả năng về việc gia tăng mức độ thực hiện hợp đồng, hoặc chuyển sang lĩnh vực công việc khác, hoặc có thể tìm kiếm vai trò ở một tổ chức khác.
Jeremy bày tỏ nỗi lo ngại của mình một cách sâu sắc và quan tâm khiến George bắt đầu cuốn vào. George cởi mở về một số vấn đề cá nhân mà anh phải đối mặt. Rõ ràng George muốn ở lại tổ chức này. George và Jeremy thống nhất với nhau một số mục tiêu tiếp theo và thỏa thuận về khuôn mẫu các cuộc gặp sau này của họ.
Thực hành
Hãy luôn lưu ý tầm quan trọng của những điều sau:
- Có những cuộc nói chuyện thẳng thắn, cởi mở, dựa trên càng nhiều bằng chứng thực tế càng tốt.
- Tạo ra đúng kiểu không gian và thời gian cho những cuộc nói chuyện đó.
- Thông báo trước rằng bạn muốn có kiểu nói chuyện như vậy.
- Hãy để nhân viên hiểu rằng kiểu nói chuyện này sẽ xảy ra.
- Tập trung vào những gì cần được thực hiện và cách để đối tượng tạo ra tiến bộ, thay vì công kích cá nhân người này.
- Đảm bảo có sự nhất trí về các bước tiếp theo.