Trực giác của bạn dựa trên kinh nghiệm và các giá trị của riêng bạn nên nó luôn mang lại những cách nhìn quí báu, cần qua kiểm chứng để đảm bảo tính thiết thực.
Ý tưởng
Ta có thể dễ dàng gạt bỏ trực giác của mình, coi đó là cảm tính và xúc động nhất thời. Nhưng cái nhìn trực giác của ta thường mang lại hiểu biết sâu sắc có giá trị. Khi lần đầu tiên gặp ai đó ta quyết định một cách bản năng liệu ta có tin tưởng họ không và cách tương tác với họ. Những ấn tượng đầu tiên có thể không chính xác, nhưng thường đem lại cho ta những dữ kiện ban đầu quí báu mà kiểm chứng qua thời gian sẽ biết có đúng không.
Trong bất kỳ tình huống mới nào ta cũng đều dựa vào trực giác của mình. Khi một vấn đề bày ra trước mặt, chúng ta sẽ có sẵn trong đầu một bộ phương án ban đầu về cách xử lý vấn đề ấy. Khi vấn đề nào đó được nhân viên đưa tới chỗ ta, phản ứng đầu tiên của ta có thể là nghĩ ngay đến một giải pháp từng phát huy tác dụng trước đây trong một hoàn cảnh tương tự. Ví dụ đó có thể là cách đúng nên chia sẻ, hoặc có thể phải sử dụng một loạt câu hỏi tạo điều kiện cho ai đó tự cân nhắc những đáp án của riêng họ trước vấn đề này.
Đôi khi vận dụng trực giác lại là tìm cách thử các giải pháp khác nhau để xem cái gì hiệu quả với những người khác nhau. Đôi khi thông minh trực giác của bạn có thể là sử dụng một câu chuyện để giúp ai đó nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác. Lúc khác, có thể bạn lại muốn gieo một suy nghĩ hoặc ý tưởng cụ thể nào đó hoặc đặt một câu hỏi xem tiếp theo thì cái gì có hiệu quả hoặc không có hiệu quả, hoặc có thể gợi ý họ rút ra từ kinh nghiệm trước đây của chính bản thân xem liệu có trường hợp tương đương nào sẽ gợi ý cho các bước tiếp theo.
Tin vào trực giác của bạn không phải là hành động tùy tiện. Mà là sử dụng những khuôn mẫu đã từng phát huy tác dụng trước đây và áp dụng chúng sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Đó là nhận thức điều gì hiệu quả với từng người khác nhau và rồi điều chỉnh giải pháp cho phù hợp với các hoàn cảnh khác nhau.
Khi Henry được một số cộng sự trình lên đề xuất về việc mở rộng kinh doanh trong một lĩnh vực cụ thể, anh cảm nhận một cách trực giác rằng ý tưởng này sẽ không đi đến đâu. Henry quyết định không tỏ thái độ tiêu cực về ý tưởng ngay từ ban đầu. Anh đặt một loạt câu hỏi xem bằng chứng nào cho thấy khả năng thành công và chuyện này tác động ra sao đến toàn bộ doanh nghiệp. Anh giao cho hai cộng sự nghiên cứu những ý tưởng này kỹ càng hơn và rồi bố trí các cuộc thảo luận với một nhóm cộng sự mở rộng để giả thuyết ấy có thể được kiểm chứng. Dần dần những ý tưởng do hai cộng sự đưa ra bắt đầu thay hình đổi dạng nhờ thông tin từ những cách nhìn của các đồng nghiệp. Henry cảm thấy công thức đã được sửa đổi này hứa hẹn thành công nhiều hơn. Về trực giác anh cảm thấy lạc quan hơn về kết quả có thể thu được.
Thực hành
- Ngẫm nghĩ xem trực giác mách bảo bạn điều gì.
- Kiểm chứng trực giác của bạn với cách nhìn của những người khác.
- Hãy cởi mở chia sẻ cảm nhận trực giác của bạn và tạo điều kiện cho người khác khám phá xem liệu ẩn ý trong đó có thể là gì.
- Khuyến khích người khác chia sẻ phản ứng trực giác của họ rồi kiểm chứng chúng.
- Xem trực giác là nguồn cung cấp những hiểu biết sâu sắc có giá trị không nên bị coi nhẹ.