Cảm xúc của bạn có thể mang lại những dữ kiện quí báu nhưng đôi khi cũng gây trở ngại.
Ý tưởng
Khi ở trạng thái huấn luyện, đôi lúc cảm xúc của bạn có thể gây trở ngại. Bạn muốn thấy mình là một người huấn luyện giỏi, và, vì vậy, sẽ mong được tán thành. Bạn muốn đối tượng mình đang làm việc thường xuyên nói những điều tốt đẹp về phương pháp huấn luyện của bạn. Nhưng mục tiêu của bạn là thúc đẩy đối tượng tư duy năng nổ hơn chứ đâu phải tán tụng bạn.
Có một nguy cơ thế này: nếu xuất hiện khoảng im lặng, bạn cảm thấy mình đang không làm tốt công việc, nhưng im lặng có thể đồng nghĩa với suy nghĩ thấu đáo. Bạn muốn đối tượng tập trung vào những việc họ sẽ làm tiếp theo chứ đâu muốn họ nghĩ ngợi về chất lượng của việc huấn luyện bạn đang thực hiện.
Đôi khi bạn có thể phản ứng cảm xúc rằng đối tượng có nguy cơ ra quyết định sai lầm. Phản ứng cảm xúc của bạn có thể là nhào vào và bảo họ rằng họ cần phải thay đổi đường hướng. Nhưng đây là cuộc sống của họ, đâu phải của bạn. Vai trò của bạn là đặt ra các câu hỏi về những gì họ đang xem xét và tạo điều kiện để họ cân nhắc kỹ càng các hệ quả. Nếu cảm xúc của bạn quá lộ liễu, nó có thể bóp méo cuộc trò chuyện và cả năng lực tháo gỡ vấn đề một cách bình tĩnh và ngẫm ngợi của người kia.
Mặt khác, cảm xúc của bạn lại chính là dữ kiện quan trọng về chuyện đang diễn ra trong một tình huống cụ thể, có thể cho bạn sự sáng suốt để tách bạch được một tình huống lẽ ra rất nhập nhằng rắc rối.
Thực hành
- Coi chừng cảm xúc của bạn có đang bóp méo phản ứng của bạn không.
- Để ý xem liệu phản ứng cảm xúc của bạn có quá lộ liễu và gây ảnh hưởng trái chiều lên đối tượng bạn đang làm việc cùng không.
- Nhìn nhận rằng cảm xúc có mang lại cho bạn những thấu suốt giá trị.
- Thấu hiểu khi lòng tự tôn của bạn bị tổn thương vì đối tượng mải tập trung vào các vấn đề của họ hơn là tỏ lòng cảm ơn bạn vì đã huấn luyện họ.
- Nhận biết các khuôn mẫu cảm xúc của bạn.