Nếu người sử dụng được khuyến khích phát minh các sản phẩm và dịch vụ mới, nhiều sản phẩm sáng tạo sẽ được phát triển nhanh chóng và hiệu quả. Phương pháp này đạt được thành công rực rỡ với sự áp dụng của chính phủ Đan Mạch.
Ý tưởng
Chiếc máy bơm thuốc tự động và máy tim phổi đầu tiên được phát minh bởi các bác sĩ, chứ không phải từ những công ty cung cấp thiết bị y tế; nước tăng lực dành cho thể thao được sáng tạo bởi những người yêu thể thao trước khi các công ty giải khát vào cuộc. Ngày càng nhiều phát minh quan trọng được tạo ra bởi người sử dụng chứ không phải nhà sản xuất: khách hàng là người sáng tạo, phát triển, dùng thử hàng mẫu, và ngay cả sản xuất ra thành phẩm. Những nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 70% các sản phẩm mới bị thất bại vì chúng không đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Chính phủ sẽ hưởng lợi từ các phát minh vì chúng sẽ giúp ích cho nền kinh tế, vì vậy vào tháng 5 năm 2006, chính phủ Đan Mạch công bố một chương trình ưu tiên quốc gia với tên gọi “đẩy mạnh sáng kiến lấy người sử dụng làm trung tâm”. Chính sách này hỗ trợ mọi lĩnh vực, từ nghiên cứu dân tộc học để tìm hiểu nhu cầu con người, đến hỗ trợ trực tiếp cho các sáng kiến cụ thể, hoặc khuyến khích các trường kinh doanh và công ty chia sẻ cách hoạt động tốt nhất. Theo Bộ trưởng Khoa học Đan Mạch, ông Helge Sander, chương trình đã đạt được nhiều thành tựu xứng đáng.
Chủ đề trung tâm là tìm kiếm những cách thức mới, hoàn thiện để kết nối trực tiếp những nhóm người sử dụng đang thay đổi khi phát triển sản phẩm mới.
Thực hành
Ý tưởng hay có thể đến từ bất cứ đâu, phương pháp sáu chữ R (trong tiếng Anh) dưới đây đặc biệt có giá trị trong việc nhận diện cơ hội cải tiến. Hãy xác định điều gì bạn cần phải cải thiện, và dùng danh sách sau để phát triển ý tưởng:
- Nghiên cứu (research): bạn có thể học tập được gì từ các tổ chức và con người đang thực hiện tốt việc đó?
- Tái cấu trúc (reframe): có suy nghĩ nào hoàn toàn khác về việc đó không?
- Liên hệ (relate): những ý tưởng nào bạn có thể vay mượn từ những hoạt động hay lĩnh vực khác?
- Gỡ bỏ (remove): bạn có thể bỏ đi những gì?
- Tái thiết kế (redesign): bạn có thể làm gì để cải thiện hoạt động, quy trình hay thủ tục hiện có?
- Diễn tập (rehearse): bạn có thể làm gì để chắc chắn rằng bạn có ý tưởng tốt?
Hãy xem xét các hành động sau để xác định những lĩnh vực có thể cải thiện:
- Trao đổi với người làm việc ở các lĩnh vực khác nhau đang cùng xử lý những vấn đề tương tự.
- Trao đổi với các công ty khác. Tìm hiểu công việc được thực hiện như thế nào ở những ngành khác hay quốc gia khác, và suy nghĩ về những ý tưởng mà bạn có thể vay mượn, thay đổi và kết hợp.
- Trao đổi với những người có nhiều sáng kiến không chuyên về lĩnh vực của bạn nhưng có thể có góc nhìn mới.
- Tập hợp một nhóm để động não cho ra ý tưởng.
Cuối cùng, có được một định hướng rõ ràng sẽ rất quan trọng, nếu không những sáng kiến sẽ bị luẩn quẩn. Phải đảm bảo rằng những phát kiến có thể áp dụng thực tế, và lập kế hoạch thực hiện chúng; nhiều ý tưởng thường thất bại bởi vì kế hoạch thực hiện kém.