Chúng ta xem xét các quyết định và ý tưởng vĩ đại được tạo ra như thế nào, những ý tưởng tồi tệ cần tránh và điều duy nhất liên kết chúng lại với nhau – trí tuệ con người.
Ý tưởng
Điều nghịch lý là bạn càng có nhiều lựa chọn thì cuộc sống của bạn càng khó khăn. Bởi vì lựa chọn càng lớn, giá phải trả cho nó càng cao: bạn phải bỏ nhiều thời gian suy xét hơn tùy theo kinh nghiệm cá nhân, nhiều nhầm lẫn và đình trệ bởi thiếu quả quyết. Việc ra quyết định chính là tâm điểm cho sự thành công của doanh nghiệp và tạo ra các ý tưởng mới, tuy nhiên nó luôn bày ra những rủi ro. Thấu hiểu những cạm bẫy này, bạn đã đi được nửa đường, nửa đường còn lại là phải tin vào chính mình.
Thực hành
Cách người ta suy nghĩ, dù suy nghĩ cá nhân hay tập thể, đều ảnh hưởng đến việc họ ra quyết định. Có những quyết định chúng ta khó mà hiểu thấu được. John S. Hammond, Ralph L. Keeney, và Howard Raiffa nhận ra những cạm bẫy sau trong việc ra quyết định (xem “The hidden traps in decision making” [Cạm bẫy ngầm trong việc ra quyết định], Havard Business Review, tháng 9-10 năm 1998).
- Bẫy neo giữ ở chỗ chúng ta đưa ra những nhận định không thích hợp về thông tin đầu tiên mà mình nhận được. Tác động ban đầu của những thông tin đầu tiên và phản ứng của chúng ta là điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác, nó “nhấn chìm” khả năng đánh giá tình huống của chúng ta.
- Bẫy hiện trạng khiến chúng ta cứ bám chặt vào tình huống hiện tại – thậm chí ngay khi có những lựa chọn khác tốt hơn hiện hữu – điều này xảy ra do quán tính của chúng ta hay chính là sự mất khả năng đối đầu của chúng ta khi tình huống hiện tại bị thay đổi.
- Bẫy chi phí chìm (sunk-cost) làm cho chúng ta phạm những lỗi đã từng vấp phải trong quá khứ, bởi vì sự đầu tư thường bao gồm cả việc bỏ qua những suy nghĩ không chấp nhận trước đó.
- Bẫy tìm kiếm bằng chứng xác nhận là khi chúng ta tìm kiếm thông tin để ủng hộ một quan điểm đang hiện hữu, bỏ qua những thông tin đối nghịch, thanh minh cho các quyết định trong quá khứ, và ủng hộ sự tiếp diễn của các chiến lược được ưa thích ở thời điểm hiện tại.
- Bẫy về sự quá tự tin làm cho chúng ta đánh giá quá cao tính chính xác trong dự đoán của chính mình. Liên quan với bẫy tìm kiếm bằng chứng xác nhận, bẫy này xảy ra khi người ra quyết định có niềm tin quá mức vào khả năng thấu hiểu tình huống và dự đoán tương lai của họ.
- Bẫy đóng khung khi một vấn đề hay một tình huống được nhận định không đúng, từ đó làm suy yếu quy trình ra quyết định. Điều này thường xảy ra nhưng không phải lúc nào cũng xuất phát từ chủ ý của người ra quyết định. Cách nhìn vấn đề hay tình huống là rất quan trọng trong việc cung cấp nền tảng cơ bản để phát triển chiến lược hay ra quyết định hiệu quả.
- Bẫy dựa vào những sự kiện gần đây dẫn chúng ta đến việc bị ảnh hưởng thái quá bởi những sự kiện hay chuỗi sự kiện hiện tại. Nó tương tự như bẫy neo giữ, ngoại trừ việc nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào – không chỉ lúc ban đầu – và gây ra đánh giá sai lầm.
- Bẫy thận trọng khiến cho chúng ta quá thận trọng khi đánh giá những yếu tố không chắc chắn. Người ta thường có xu hướng ghét rủi ro, và bẫy này có thể xảy ra trong những tình huống tiến thoái lưỡng nan, khi người ra quyết định cảm thấy phương pháp và các đường hướng ưu tiên hiện tại đều chứa đựng rủi ro.
Cùng với những sai lầm trong tư duy và cách đối phó nói trên, ở đây còn có hai nguy cơ tiềm ẩn khác đến từ văn hóa hay môi trường của công ty: đó là sự phân mảnh và tư duy tập thể.
Sự phân mảnh xuất hiện khi nhân viên bất đồng quan điểm với đồng nghiệp hoặc cấp trên. Thường thì những biểu hiện bất đồng bị giấu đi hoặc bị kìm nén, mặc dù nó có thể gây ra những cuộc gây hấn đầy tiêu cực. Quan điểm bất đồng mưng mủ trong lòng được đề cập không chính thức trong khi trò chuyện hơn là được nêu lên rõ ràng trong các tình huống chính thức, như trong các cuộc họp chẳng hạn. Sự phân mảnh này sẽ ăn mòn, gây trở ngại cho việc phân tích và ra quyết định hiệu quả, và có thể làm tình hình xấu đi khi quan điểm của một nhóm nào đó lấn lướt. Bất đồng quan điểm trở nên bị giam hãm trong một công ty và cực kỳ khó đảo ngược tình thế.
Tư duy tập thể ngược lại với sự phân mảnh. Nó xảy ra khi một nhóm áp chế những ý kiến phê bình quan trọng hoặc
ý kiến không ủng hộ cho hướng đi hiện tại. Nhìn bề ngoài nhóm tỏ ra có sự đồng thuận và rất chắc chắn, nhưng tất cả đều không phải. Có nhiều nhân tố gây ra điều này, chẳng hạn như thành công trong quá khứ nuôi dưỡng cho niềm tin của một nhóm không bao giờ mắc sai lầm và tự mãn. Tư duy tập thể có thể xảy ra vì các thành viên nhóm phủ nhận thông tin, thiếu niềm tin hay thiếu khả năng thách thức quan điểm áp đảo của nhóm. Người ta lo ngại về sự bất đồng vì các sự kiện trong quá khứ, mối quan tâm hiện tại hoặc nỗi lo sợ trong tương lai, và vì vậy họ tìm kiếm sự an toàn trong số đông.
Tư duy tập thể càng tệ hại hơn bởi nhiều nhóm cố kết có xu hướng hợp lý hóa “thành lũy” những ý quyết định hay chiến lược của họ, và điều này ngăn cản những phân tích phê bình quan trọng và những ý kiến bất đồng. Hệ quả là một cái nhìn không chính xác về những lựa chọn hiện hữu và không đánh giá được rủi ro của những quyết định được ưa chuộng.
Tư duy tập thể có thể xuất hiện trong những công ty nơi tinh thần làm việc nhóm có thể mạnh hoặc có thể yếu. Bởi vì cũng như sự phân mảnh, tư duy tập thể tự nuôi sống chính nó. Kéo dài càng lâu, nó càng trở nên cố thủ và trở thành điều bình thường. Rất khó có thể đảo ngược tình thế.
Bây giờ chúng ta hãy giải thích những cái bẫy này, đâu là giải pháp? Đã có rất nhiều nghiên cứu về phương pháp tiếp cận khoa học cho việc ra quyết định, nhưng khía cạnh tâm lý cũng quan trọng không kém, và chỉ mới được thấu hiểu gần đây:
- Hãy cứng rắn và đừng sợ hậu quả của những quyết định. Chúng ta thường có xu hướng đánh giá quá cao hậu quả của các lựa chọn, chúng tốt hay xấu. Chúng ta cũng có xu hướng giảm đi khả năng đưa ra một quyết định đúng. Điều này xuất phát từ việc “ghét bị thất bại”: quan điểm cho rằng nỗi đau thất bại sẽ nhiều hơn sự hài lòng khi đạt được thành công. Nên nhớ rằng, kịch bản tệ nhất có thể không bao giờ xảy ra, và thậm chí nếu nó xảy ra, người ta bao giờ cũng có thể kiên cường đương đầu với nó.
- Tin vào bản năng và cảm xúc của bạn. Chúng ta cùng tham gia để đưa ra quyết định đúng và làm chúng trở nên hoàn thiện. Đôi khi, những quyết định nhanh chóng lại mang đến hiệu quả tốt nhất vì bạn đã nhanh chóng nắm bắt các thông tin quan trọng và đối phó với nó. Nếu càng kéo dài, bạn sẽ bị quá tải bởi thông tin và những thứ linh tinh khác.
- Chuẩn bị chơi trò “ông Thiện – ông Ác”. Tìm kiếm lỗi và sai lầm sẽ làm mạnh thêm quyết định của bạn, và làm sáng tỏ những nhân tố ảnh hưởng tới quyết định và những vấn đề khác như sự định kiến chẳng hạn. Điều này có nghĩa là bạn cần nhận thức rõ ràng về định kiến và vận dụng nó.
- Tránh những điều không liên quan. Những thông tin không liên quan bóp méo nhận định của bạn, như đã được tình bày ở bẫy neo giữ. Giải pháp ở đây là phải sẵn sàng đặt nghi vấn thông tin đó ra đời trong hoàn cảnh nào. Quyết định của bạn dựa trên điều gì và nó có thích đáng không?
- Hệ thống lại quyết định. Điều này giúp bạn xem lại các vấn đề từ góc nhìn mới.
- Đừng để quá khứ trì níu. Bẫy chi phí chìm đã chỉ rõ xu hướng của chúng ta là hay bám vào các lựa chọn trước đây bởi vì ta đã đầu tư quá nhiều vào đó nên thay đổi khó mà chấp nhận được. Không nên như vậy. Những lựa chọn tốt hơn đang ở đó chờ ta.
- Thách thức tư duy tập thể. Con người thường sợ đưa ra ý kiến hoặc hành động vì áp lực xã hội. Đây là cách ứng xử không tốt. Hãy tìm hiểu người khác thực sự nghĩ gì và sử dụng nó để thông tin về những quyết định.
- Giới hạn lựa chọn của bạn. Đây là nghịch lý của chọn lựa: càng có nhiều lựa chọn, cuộc sống của bạn càng trở nên khó khăn. Hãy chọn phương án nào triển vọng nhất. Việc này giúp loại bỏ áp lực và gạn lọc suy nghĩ của bạn. Chúng ta bị gắn chặt với các chọn lựa và tin rằng có nhiều lựa chọn sẽ tốt hơn. Sự thật là càng ít chọn lựa sẽ càng dễ thỏa mãn. Cũng vậy, nên ủy nhiệm việc ra quyết định cho người nào đủ phẩm chất.
Thách thức ở đây là làm sao đảm bảo được, càng nhiều càng tốt, là bạn yêu thích những gì mình đang làm và quyết định được đưa ra bởi người giỏi nhất, đúng cách và đúng thời điểm.