Đa phần hoạt động PR được tiến hành theo cách lịch sự, như phần lớn hoạt động kinh doanh cũng vậy. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có người bày trò mặt dạn mày dày – và thường kèm theo giá trị PR.
Một số trò trơ tráo nhất đã diễn ra trong ngành hàng không. Kinh doanh hàng không giá rẻ vốn khá khốc liệt. Lợi nhuận biên rất ngặt, và lúc nào cũng phải trông đợi vào việc bán hết chỗ – gần như không có chỗ cho sai sót, và cũng chẳng mấy tôn trọng trong cạnh tranh.
Trong môi trường này, chỉ một thay đổi nhỏ trong hoàn cảnh cũng đủ làm hãng hàng không phá sản: một lỗi nhỏ trong việc lập trình máy tính đặt chỗ rồi tự động định giá có thể gây nên tổn thất không thể vãn hồi.
Ý tưởng
Hồi mới khai trương, hãng hàng không giá rẻ Go được xem là mối đe dọa đối với hãng hàng không easyJet thành lập trước đó. Tuy nhiên, easyJet đã tỏ ra rằng họ vẫn có khả năng ứng phó – họ đặt 10 chỗ trên chuyến bay khai trương của hãng Go, và cho nhân viên mặc đồng phục easyJet đi. Nhân viên easyJet đã tranh thủ phát tờ rơi quảng cáo hãng hàng không của mình cho các hành khách trong chuyến bay.
Trò này đúng ra là hỏng bét – có thể khách hàng hãng Go cảm thấy easyJet chơi không đúng luật, và đương nhiên phi hành đoàn hãng Go có thể ngăn họ phát tờ rơi. Nhân viên mặt đất có thể hiểu chuyện gì sẽ diễn ra, và ngăn không cho họ lên máy bay ngay từ đầu. Thật ra, dù Go có làm bất kỳ điều gì để ngăn chận trò này thì đều bị phản tác dụng, vì (ví dụ) bản thân việc từ chối không cho hành khách đã mua vé lên máy bay chỉ vì quần áo họ mặc đã là tin hấp dẫn rồi.
Cuối cùng, trò trơ tráo này cũng đã lên tin, và giúp danh tiếng là hãng hàng không vui vẻ, nhiệt tình của easyJet được nâng cao.
Ứng dụng
- Luôn đảm bảo là trò nào cũng liên quan chặt chẽ với tin tức.
- Ngay cả khi bên nhà báo và/hoặc đài truyền hình có nhiếp ảnh gia, bạn cũng phải có nhiếp ảnh gia riêng tại hiện trường cho chắc.
- Nên nhớ trò nào cũng là một canh bạc – trò mặt dày mày dạn kiểu này còn hơn thế nữa. Chúng có thể bị phản tác dụng.