Khả năng hiểu biết cảm xúc (EI) là khả năng của một người có thể tiếp thu và áp dụng hiểu biết về xúc cảm của họ và của người khác để thành công hơn và đạt được cuộc sống trọn vẹn.
Ý tưởng
Nhà tâm lý học Daniel Goleman đã phổ biến quan điểm của ông về khả năng hiểu biết cảm xúc trong cuốn sách bán chạy nhất năm 1995, quyển Emotional Intelligence: Why it can matter more than IQ (tạm dịch: Khả năng hiểu biết cảm xúc: tại sao nó quan trọng hơn IQ). Xây dựng trên công trình của Howard Gardner và Peter Salovey, ông đã nhấn mạnh vai trò của EI trong năm lĩnh vực:
- Biết được cảm xúc của mình.
- Điều khiển cảm xúc.
- Tự tạo động lực cho bản thân.
- Hiểu được cảm xúc của người khác.
- Ứng xử với các mối quan hệ.
Cảm xúc đóng vai trò quan trọng quyết định thành công của một người lãnh đạo. Trong những thời điểm thay đổi, áp lực, hay khủng hoảng, có được EI là một lợi thế, vì sự nhận biết, thấu hiểu, và ứng xử với các cảm xúc sẽ quyết định sự thành công. Ví dụ, chúng ta có thể đều có cảm giác giận dữ, nhưng EI có nghĩa là biết phải làm gì với cảm xúc giận dữ để đạt được hiệu quả tốt nhất. EI cho phép chúng ta cảm nhận và sử dụng cảm xúc, giúp chúng ta điều khiển được bản thân và chi phối tích cực đến kết quả trong các mối quan hệ của chúng ta.
Thực hành
Có thể học tập để có EI. Thành công với EI có thể đạt được bằng cách nâng cao khả năng trong những mặt sau đây:
- Tự nhận thức. Mặc dù việc tâm trạng của chúng ta đi liền với suy nghĩ của chúng ta, nhưng hiếm khi chúng ta chú ý nhiều đến cách chúng ta cảm nhận. Điều này rất có ý nghĩa vì các trải nghiệm cảm xúc đã qua sẽ cho chúng ta có cái nhìn toàn diện để ra quyết định.
- Kiểm soát cảm xúc. Tất cả những nhà lãnh đạo giỏi đều học được cách kiểm soát cảm xúc, đặc biệt ở ba cảm xúc chủ đạo: buồn, giận dữ, và lo lắng.
- Động viên người khác. Sự động viên bao gồm việc tạo ra một môi trường khuyến khích, nhiệt tình, nhạy cảm trước những vấn đề làm gia tăng hay giảm bớt nhiệt huyết của từng cá nhân, và đưa ra biện pháp đúng đắn để thúc đẩy và hướng dẫn mọi người theo đúng hướng.
- Thể hiện sự cảm thông. Một phiên bản khác của tự nhận thức là khả năng hiểu đúng cảm xúc của người khác, và điều chỉnh cho phù hợp với cảm xúc đó.
- Duy trì kết nối. Cảm xúc thường lan truyền: có một sự chuyển dịch vô hình xảy ra giữa hai cá nhân trong mọi tương tác, khiến ta cảm thấy khá lên hay tệ đi. Goleman gọi điều này là “sự kiểm soát tiềm lực bí mật”, và nó nắm giữ chìa khóa cho việc động viên mọi người.
Những “năng lực cảm xúc” này xếp thành một cấu trúc cấp bậc. Ở dưới cùng của cấu trúc Goleman (1) là khả năng nhận ra trạng thái cảm xúc của một ai đó. Những hiểu biết ở năng lực 1 là cần thiết để đạt được năng lực kế tiếp. Tương tự, kiến thức hay kỹ năng trong ba năng lực đầu tiên là cần thiết để bày tỏ sự cảm thông, đọc được và tác động tích cực lên cảm xúc của người khác (năng lực 4). Bốn năng lực đó sẽ dẫn đến khả năng cao hơn là thiết lập và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp (năng lực 5).