Việc phản ứng với các thay đổi trong thị trường kinh doanh có thể đạt được tốt nhất nhờ có sự sẵn lòng học hỏi và phát triển ý tưởng theo nhóm, tạo ra “văn hóa học hỏi cao độ”.
Ý tưởng
Vào cuối những năm 1980, công ty nổi tiếng thế giới hiện nay về về công nghệ điện thoại di động, Nokia từng là một công ty đa ngành nghề sắp phá sản, chủ yếu được biết đến với các sản phẩm cao su và giấy. Nokia đã quyết định đưa tất cả năng lượng và nguồn lực còn lại vào hoạt động viễn thông nhỏ bé (theo tiêu chuẩn công nghiệp), cụ thể hơn đó là khu vực công nghệ điện thoại di động mới nổi. Quyết định này đã mở đường cho văn hóa học tập cao độ và một giai đoạn phát triển kinh doanh cho công ty.
Đến cuối năm 1996, tập đoàn Nokia đã dẫn đầu thị trường toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, và là một trong hai nhà cung cấp lớn nhất cho các mạng GSM. Chỉ trong vài năm, doanh nghiệp Phần Lan linh hoạt này đã học hỏi đủ để trở thành người tạo ra xu hướng trong việc thiết kế điện thoại, làm cho sản phẩm của mình có phong cách sống công nghệ cao mà nhiều sản phẩm thời trang phải ghen tị.
Ở lĩnh vực hạ tầng mạng điện thoại, công ty cũng đã dẫn đầu với các dịch vụ khách hàng theo hướng cung cấp giải pháp, nhờ đó nâng cao ngưỡng cạnh tranh.
Hầu hết những công ty đạt được mức thành công như vậy trong một thời gian ngắn có thể gặp phải tình trạng không bắt kịp sự thay đổi lớn tiếp sau đó của ngành. Tuy nhiên khi có một thay đổi như thế xảy ra là sự phát triển của internet, Nokia vẫn giữ được thế dẫn đầu với sự thay đổi này, tạo ra những chiếc điện thoại có thể kết nối internet, và giúp tạo ra một nền văn hóa thông tin di động phổ biến khắp mọi nơi hiện nay.
Nhận xét về “quy trình sáng tạo” ở Nokia, tổng giám đốc của hãng này, ông Jorma Ollila nói:
Dĩ nhiên, chúng tôi tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ, nhưng điều quan trọng là chúng tôi thảo luận rất kỹ, xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau. Đó là một quá trình học hỏi tập thể và điểm theo chốt là chúng tôi nên thảo luận một thông tin nào đó với ai, để mở rộng thông tin ra, và tạo cho thông tin có thêm nhiều ý nghĩa hơn so với thông tin ban đầu. Sau đó, chúng tôi đưa ra một số lựa chọn, thử chúng, lắng nghe các phản hồi nếu cần thiết. Với quy trình học hỏi tập thể này, chúng tôi đều ở trên cùng một băng tần và chúng tôi ccó thể hành động nhanh chóng khi cần thiết.
Nokia tất nhiên đã từng chịu cảnh thị phần bị sụt giảm, nhưng việc thực hiện thành công một hành trình từ chỗ bên bờ vực phá sản đến vị trí thống trị thế giới chỉ trong hơn mười năm đã cho thấy sự linh hoạt được duy trì liên tục và mong muốn học hỏi ở mọi cấp bậc. Rõ ràng điều này là rất cần thiết cho một doanh nghiệp trong một ngành nghề mới và thay đổi nhanh như công nghệ điện thoại di động, nhưng phương pháp Nokia – áp dụng xuyên suốt trong doanh nghiệp này – nhấn mạnh giá trị của việc biến thông tin thành kiến thức.
Thực hành
- Nắm bắt, phổ biến, chia sẻ, phân tích, và thảo luận về các thông tin và các hiểu biết sâu.
- Tổ chức định kỳ các cuộc thảo luận nhóm bao gồm những người làm việc ở mọi cấp bậc trong công ty cũng như các chuyên gia bên ngoài.
- Thảo luận ý nghĩa của những phát triển trên thị trường, cũng như các xu hướng và kịch bản có thể xảy ra trong tương lai.
- Nếu phải quyết định công ty nên áp dụng những chính sách mới hoặc đi theo một hướng khác, phải động não suy nghĩ thật kỹ về khả năng thực hiện cũng như tính thực tế của các thay đổi này. Quyết định xem ai sẽ triển khai các thay đổi này và triển khai như thế nào.