Sự kiên trì là sức mạnh khi bạn tin rằng mình đúng, miễn là bạn không “ngoan cố húc đầu vào tường”.
Ý tưởng
Lòng kiên trì là thành phần cốt lõi trong sức ảnh hưởng cá nhân. Để giữ sự trập trung và chuyên tâm trong khi có sự dè chừng hoặc chỉ trích từ người khác đòi hỏi lòng kiên trì. Nhưng kiên trì không phải là phớt lờ sự quan ngại chính đáng của người khác. Sự kiên trì có hiệu quả đến từ giải quyết thỏa đáng những quan ngại của người khác và hiểu rõ giải pháp đúng đắn.
Lòng kiên trì đòi hỏi sức chịu đựng mạnh mẽ cả về thể chất lẫn xúc cảm, lý trí lẫn tinh thần. Điều cốt lõi nhất của lòng kiên trì chính là kiên cường tiến tới, bất chấp những lời chỉ trích và cảm xúc trong lòng.
Khi mọi việc không có tiến triển ta có thể cảm thấy ngã lòng và năng lượng dường như cạn kiệt. Đôi khi ta phải mang một chiếc “mặt nạ kiên cường”. Cũng giống như một cua-rơ leo đồi dốc vẫn cứ đạp dấn bất kể mệt mỏi, đau đớn; đôi lúc trong những hoàn cảnh khó khăn ta phải không ngừng dấn bước bất chấp đau đớn.
Một điều hết sức quan trọng là lòng kiên trì cần có sự trung hòa của thực tế. Có những khoảnh khắc bạn nên dừng lại để những sự kiện khác diễn ra trước khi khôi phục lòng kiên trì của mình. Có những thời điểm bạn cần chờ đợi thay đổi quan điểm trước khi lòng kiên trì của bản thân đưa tới những kết quả mong đợi.
Thực hành
- Quan sát những người có lòng kiên trì để rút ra điều gì có hiệu quả và điều gì khiến người khác lạnh nhạt.
- Thử nghiệm ngôn ngữ đa dạng để thể hiện lòng kiên trì theo những cách có ích khác nhau.
- Hãy tìm thêm đồng minh, những người ủng hộ quan điểm của bạn một khi bạn tin tưởng vào tầm quan trọng của sự kiên trì.
- Nhận ra lúc nào sự kiên trì có thể khiến người khác lạnh nhạt và có quyết định sáng suốt về việc tiếp tục hay dừng lại.
- Hãy để ý khi nào sự thay đổi trong kỳ vọng của người khác nghĩa là lúc khôi phục lòng kiên trì đã tới.