Hiểu rõ lúc nào nên nói và lúc nào nên dừng là một kỹ năng rất quan trọng. Thao thao bất tuyệt về một vấn đề nào đó sẽ gây phản tác dụng khi ta không nhận thức được rằng sự thiếu trọng tâm của mình làm đánh mất sự ủng hộ của người khác.
Ý tưởng
Khi chúng ta có niềm tin mạnh mẽ vào một điều gì đó ta muốn kiên trì theo đuổi và đảm bảo truyền đạt nó đi khắp nơi. Lòng kiên trì là sức mạnh tuyệt vời nhưng cũng gây cản trở. Vấn đề là kiên trì về ý định thay vì kiên trì hành động. Đôi khi rút lui có chiến thuật chính là giải pháp tối ưu.
Trong nhiều trường hợp sự lặp lại là cần thiết để nắm chắc điều gì được phổ biến, hoặc ta cần lắng nghe một thông điệp nhiều lần để thấu hiểu hoàn toàn tác động của nó. Nhưng một người không ngừng lặp đi lặp lại một điều gì đó sẽ dẫn tới sự vô cảm.
Cần thay đổi cách tiếp cận khi muốn nói mãi về một vấn đề cụ thể nào đó. Có lẽ bạn cần trao đổi riêng với các đồng nghiệp thay vì liên tục nhấn mạnh một luận điểm trong cuộc họp. Hoặc có lẽ bạn cần thu thập thêm chứng cứ, hay đặt ra các câu hỏi thú vị dẫn dắt người khác tới các kết luận tương tự.
Khi đặc biệt chú trọng vào một vấn đề, có nguy cơ là bạn phát biểu với giọng điệu không đổi. Một lúc sau giọng điệu đều đều không thay đổi đó sẽ trở nên rất khó nghe. Nhưng nếu thay đổi ngữ điệu, nhịp độ và âm lượng thì thông điệp sẽ phát tán tốt hơn và mọi người có thể sẵn lòng lắng nghe hơn. Một giọng nói du dương êm ái chắc chắn sẽ dễ nghe và dễ dành được sự đồng cảm của thính giả hơn.
Thực hành
- Hãy lưu tâm nếu bạn luôn phát biểu với ngữ điệu và âm lượng không đổi.
- Cẩn trọng khi bạn lặp lại một vấn đề và quan sát ảnh hưởng của hành động đó.
- Khi bạn muốn kiên trì, hãy vận dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để sự kiên trì đó không bị coi là mù quáng.
- Khi bạn đặc biệt chú trọng tới vấn đề gì và muốn có bài phát biểu mạnh mẽ, hãy lựa chọn ngôn từ một cách cẩn thận và lưu tâm tới cảm xúc của mình.
- Sẵn sàng dừng lại và chờ đợi thời điểm thích hợp để quay trở lại với cuộc tranh luận.