Lập các kịch bản cho tương lai sẽ tạo điều kiện để các công ty dự trù cho tương lai, tiến vào trận địa trước khi trận đánh mở màn sao cho họ được chuẩn bị tốt hơn. Các kịch bản không phải là nhằm dự đoán các sự kiện tương lai. Giá trị của chúng là ở chỗ giúp doanh nghiệp hiểu được các tác động có ảnh hưởng đến tương lai. Chúng thách thức các giả định của chúng ta.
Ý tưởng
Vào những năm 1960, Pierre Wack, người đứng đầu nhóm kế hoạch của Royal Dutch/Shell, yêu cầu các thành viên ban quản trị hình dung ngày mai. Điều này thúc đẩy các suy nghĩ chiến lược đầy tâm huyết và sâu sắc về tình hình hiện tại, bằng cách tạo cơ hội để họ phát hiện và hiểu rõ các thay đổi. Pierre Wack muốn biết bên cạnh các khả năng kỹ thuật, liệu có những yếu tố nào khác liên quan đến nguồn cung dầu mỏ có khả năng trở nên không ổn định trong tương lai hay không. Ông lên danh sách các cổ đông và lấy ý kiến của họ về vai trò của các chính phủ ở các nước sản xuất dầu: liệu các nước sản xuất dầu có tiếp tục tăng sản lượng hết năm này qua năm khác không? Việc tìm hiểu các thay đổi có thể có trong chính sách của các chính phủ đã cho thấy một cách rõ ràng rằng chính phủ các nước sản xuất dầu sẽ không mãi thuận theo các hoạt động của Shell. Nhiều nước đã không cần đến việc tăng nguồn thu nhập. Các nước này có ưu thế, và logic áp đảo với các nước sản xuất dầu là cắt giảm nguồn cung, tăng giá bán, và bảo vệ trữ lượng dầu của mình.
Khi cuộc chiến giữa Arập và Israel nổ ra vào năm 1973 làm hạn chế nguồn cung dầu mỏ, giá dầu tăng cao gấp năm lần. May mắn cho Shell là công trình kịch bản tương lai của Wack đã giúp Shell có sự chuẩn bị tốt hơn đối thủ để thích nghi với tình hình mới – tiết kiệm được hàng tỉ đôla, hãng này đã leo từ vị trí thứ bảy lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng tính theo lợi nhuận của ngành. Shell đã biết cần phải vận động hành lang với chính phủ nào và làm thế nào để tiếp cận họ, cần đa dạng hóa ở nơi nào và cần có hành động gì với từng thành viên của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ).
Việc dự trù kịch bản tương lai cho phép các lãnh đạo kiểm soát được tình trạng không ổn định và rủi ro. Hơn hết, các kịch bản giúp các công ty hiểu được tính năng động của môi trường kinh doanh, nhận thấy được các cơ hội, đánh giá các khả năng lựa chọn chiến lược, và đưa ra các quyết định dài hạn.
Thực hành
- Kịch bản cho tương lai không phải là các dự đoán: chúng được dùng để hiểu rõ những tác động có ảnh hưởng đến tương lai. Vấn đề không phải là biết được chính xác tương lai sẽ như thế nào, mà hiểu được phương hướng chung của tương lai là gì – và tại sao như vậy.
- Lập kế hoạch và xây dựng quy trình kịch bản tương lai: chẳng hạn như thống nhất về việc ai được tham gia quy trình này.
- Thảo luận về các khả năng tương lai có thể xảy ra (thường là bằng cách triển khai các hoạt động theo một phương hướng tương lai có thể xảy ra)
- Phát triển các kịch bản tương lai chi tiết hơn.
- Phân tích các kịch bản tương lai: tại sao chúng có thể xảy ra, bạn sẽ làm gì nếu chúng xảy ra.
- Sử dụng các kịch bản tương lai này để xác lập các quyết định và các ưu tiên.