Biết về đối thủ của bạn là một chuyện – định rõ đối thủ trong suy nghĩ của công chúng lại là chuyện khác. Hầu hết động tác PR là nhằm xác định một tổ chức trong tâm trí của công chúng, nhưng đấy chỉ mới được nửa đường, nhất là khi công ty đang phải đối mặt với một đối thủ dai dẳng không cách gì xoa dịu.
Vấn đề còn tồi tệ hơn bởi việc mọi người thường đồng cảm với kẻ yếu thế, tức là những đòn tấn công trực tiếp nhắm vào các đối thủ rất có khả năng sẽ bị dội ngược. Phải thật khôn khéo vào! Con đường đi tới dành cho nhiều tổ chức chính là sử dụng lời lẽ chuyển tải hình ảnh tích cực một cách liên tục, buộc các đối thủ phải rơi vào thế tiêu cực.
Ý tưởng
Tự xếp loại mình theo cách tích cực thì dễ dàng ám chỉ đối thủ của bạn thuộc hạng tiêu cực. Ví dụ như chủ đề nạo phá thai là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm: những người ủng hộ việc này tự xếp loại mình là “người ủng hộ sự tự do lựa chọn”, có nghĩa là bất kỳ ai thuộc phía đối nghịch sẽ lập tức thuộc loại “người phản đối sự tự do lựa chọn”. Còn những người thuộc phía đối nghịch đó lại tự xếp loại mình là “người ủng hộ việc bảo vệ sự sống”, dẫn đến việc làm cho những người phản đối sẽ trở thành “người phản đối việc bảo vệ sự sống” trong nhận thức của công chúng.
Đối với những công ty thuộc các ngành ít nhạy cảm hơn, có khả năng xếp loại công ty thành “ủng hộ công ăn việc làm” hoặc “thuộc phe ủng hộ sự phát triển kinh tế trong khu vực”. Việc này sẽ khiến các đối thủ hụt chân ngay lập tức, để rồi sau đó họ sẽ phải biện giải vị trí của bản thân.
Buộc các đối thủ rơi vào thế tiêu cực tạo cho bạn lợi thế tức thời trong việc thiết lập uy tín trong tâm trí công chúng. Trừ khi đối thủ của bạn hết sức tài tình, bằng không bạn nhất định sẽ chiếm thế thượng phong.
Ứng dụng
- Hãy tìm các điểm tích cực.
- Chọn điểm tích cực nào sẽ buộc các đối thủ của bạn rơi vào vị trí tiêu cực.
- Đừng làm phức tạp – hãy chăm bẵm vào điểm tích cực bạn đã lựa chọn.
- Hãy chuẩn bị đối phó sự trả đũa. Đối thủ của bạn có thể sẽ đáp trả tương tự.