Hiếm khi hiểu được vì sao sản phẩm hay ý tưởng này phổ biến còn sản phẩm hay ý tưởng khác lại suy thoái. Tác giả Malcolm Gladwell đã từng phát triển ý tưởng về “điểm bùng phát”: một lý thuyết hấp dẫn về việc làm thế nào một ý tưởng trở thành một dịch bệnh. “Điểm bùng phát” là khoảnh khắc đầy kịch tính mà mọi thứ thay đổi cùng một lúc khi đến một ngưỡng nào đó – dù tình huống có thể được hình thành từ một thời gian nào đó.
Ý tưởng
Malcolm Gladwell so sánh sự tăng trưởng, suy giảm, và xuất hiện đồng loạt ngẫu nhiên nhanh chóng với trường hợp các dịch bệnh. Các ý tưởng thì “lây nhiễm”, các kiểu thời trang đại diện cho “các cơn bùng phát”, và các ý tưởng hay sản phẩm mới là những “nguồn virus”. Gladwell giải thích làm thế nào một yếu tố bùng lên – khi một số lượng lớn đáng kể nhiễm, và lây lan. Đó là khi một mẫu giày trở thành một “cơn sốt thời trang”, việc hút thuốc xã giao trở thành “thói nghiện”, và tội ác trở thành một “làn sóng”. Quảng cáo là một cách làm lây nhiễm.
Nhiều yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo một ý tưởng nào đó “bùng lên”:
- Luật của số ít. Bệnh dịch chỉ cần một số ít người lây cho nhiều người khác. Điều này có thể thấy rõ trong sự lan rộng bệnh dịch: chính một số ít những người giao tiếp và đi lại rất nhiều đã tạo ra sự khác biệt giữa một trận bùng phát dịch bệnh địa phương với một đại dịch toàn cầu. Tương tự, lời truyền miệng là một hình thức truyền thông quan trọng: những người nói nhiều nhất (và giỏi nhất) tạo ra những đại dịch về ý tưởng. Có ba loại người: người kết nối, nhà thông thái, và người bán hàng.
- Người kết nối đưa mọi người đến với nhau, dùng kỹ năng xã hội để tạo ra các mối liên kết. Họ là tác nhân then chốt để đại dịch lan rộng, vì họ giao tiếp với các “mạng lưới” con người khác. Các bậc thầy về “quan hệ xã giao” (một kết nối bề ngoài thân thiện) này có thể phát tán các ý tưởng đi xa.
- Nhà thông thái – các chuyên gia về thông tin – cũng kết nối với mọi người, nhưng tập trung vào nhu cầu của người khác thay vì tập trung vào nhu cầu của chính họ, và có những điều quan trọng để nói. Điển hình về nhà thông thái bao gồm cả các thầy giáo.
- Nhân viên bán hàng tập trung vào mối quan hệ chứ không tập trung vào thông điệp. Kỹ năng “bán hàng” của họ, với sự thành thạo giao tiếp phi ngôn ngữ và “bắt chước hành động” (bắt chước các cảm xúc và hành vi của ai đó để chiếm được niềm tin), tạo điều kiện cho họ có một vai trò then chốt trong việc thuyết phục người khác.
- Yếu tố kết dính. Với các sản phẩm hay các ý tưởng, việc chúng hấp dẫn như thế nào cũng có ý nghĩa quan trọng như việc chúng được truyền đạt như thế nào định đoạt việc chúng được lan truyền hay không. Để đạt được điểm bùng phát, ý tưởng phải hấp dẫn và “kết dính”. (Nếu một thứ gì đó không hấp dẫn, nó sẽ bị từ chối bất chấp nó được truyền đạt như thế nào). Thời đại thông tin đã tạo ra vấn đề về sự kết dính – “đám” thông điệp mà chúng ta gặp phải thường khiến các sản phẩm hay ý tưởng bị phớt lờ. Để tạo ra đại dịch, phải chắc ăn rằng các thông điệp không bị lạc mất trong “đám” này, và phải đảm bảo rằng thông điệp đó “kết dính”.
- Sức mạnh của bối cảnh. Sự thay đổi bối cảnh của một thông điệp có thể làm bùng phát một đại dịch. Giả sử hoàn cảnh của con người, hay bối cảnh, cũng quan trọng như tính cách của họ, thì điểm bùng phát có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi môi trường mà họ đang sống. Điều này có nhiều hàm nghĩa cho việc kinh doanh, từ thành tích của người lao động cho đến việc tạo ra doanh số.
Thực hành
- Chọn một lời tuyên bố hay ý tưởng thuyết phục và hấp dẫn để phổ biến. Hiểu điều gì khiến nó có sức hút và làm những yếu tố này nổi bật với những mối quan hệ then chốt.
- Xác định và phát triển các liên kết với các mối quan hệ then chốt – những người có các mối liên hệ (“người kết nối” hay người thiết lập mạng lưới); những người có hiểu biết và ảnh hưởng (“nhà thông thái” như giáo viên hay nhà báo), và những người có sức ảnh hưởng (“những người bán hàng” là nhân vật nổi tiếng).
- Chọn thời điểm phù hợp để phổ biến ý tưởng, đảm bảo rằng môi trường dễ tiếp thu và ý tưởng là phù hợp, đúng lúc.
- Hãy đọc quyển The Tipping Point của Malcolm Gladwell.