Một trong những cách học hỏi tốt nhất là từ các sai lầm. Trung thực về các bài học đó sẽ tăng thêm sức ảnh hưởng cá nhân của bạn.
Ý tưởng
Sai lầm là rất có giá trị bởi chúng khiến ta phải đánh giá lại cách tiếp cận của mình và rút ra các bài học cải thiện triệt để ảnh hưởng cá nhân. Nếu không phạm sai lầm ta sẽ chẳng học được điều gì. Nếu ta đặt mình vào tình huống không có khả năng phạm sai lầm, tính cẩn trọng đó có thể hạn chế sức ảnh hưởng của chúng ta.
Dĩ nhiên, tránh những tình huống có thể mắc sai lầm là đúng. Sẽ rất nguy hiểm nếu bạn không nói được tiếng Pháp nhưng lại dẫn đầu đoàn đàm phán tại cuộc họp cần sử dụng tiếng Pháp. Trong trường hợp đó, bạn cần có một thông dịch viên xuất sắc, hay một người giỏi đàm phán bằng tiếng Pháp, hoặc thậm chí chuyển giao trách nhiệm đàm phán cho người thích hợp hơn. Tạo ra tình thế mà bạn biết chắc là mình thất bại thì thật vô nghĩa.
Trái lại, đặt bản thân vào tình huống có cơ may thành công lẫn thất bại tương đối có thể có thể củng cố khả năng đóng góp của bạn.
Thái độ thẳng thắn, cởi mở trong việc học hỏi từ sai lầm sẽ củng cố uy tín và từ đó củng cố ảnh hưởng tiềm tàng của bạn. Một lãnh đạo cao cấp, một cá nhân muốn trở thành trưởng dự án không chỉ là người có nhiều thành tích, mà còn là người biết nhanh chóng rút kinh nghiệm từ các sai lầm.
Thực hành
- Ghi nhớ các sai lầm mà từ đó bạn rút ra được nhiều kinh nghiệm nhất: các bài học đó đã mang lại ích lợi gì cho bạn?
- Đâu là những sai lầm mà bạn đang phải chung sống? Bạn có hoàn toàn tiếp thu được bài học từ các sai lầm đó?
- Làm cách nào để tối đa hóa bài học kinh nghiệm của mình cho sự cố trong tương lai?
- Kiểu sai lầm nào bạn không muốn tái phạm?
- Thái độ đối mặt với các thất bại hay sai lầm của bạn trong tương lai là gì?