Truyền đạt. Truyền đạt. Truyền đạt. Đừng nghĩ rằng bởi bạn đã truyền đạt mà thông điệp đã được gửi đi hoặc bạn không cần truyền đạt thêm nữa.
Ý tưởng
Truyền đạt hiệu quả là cả một quá trình không ngừng nghỉ. Người giỏi truyền đạt là người biết mài giũa thông điệp và không ngừng lặp đi lặp lại mà vẫn làm cho thông điệp luôn mới mẻ trong từng tình huống. Đôi khi có thể bạn cảm thấy nhàm chán với thông điệp mình đưa ra, nhưng việc lặp đi lặp lại với những người nghe khác nhau là một phương pháp quan trọng để phát triển sức ảnh hưởng của bạn.
Khi nhắc lại một thông điệp, bạn cần tạo ra sự mới mẻ nếu muốn nó trở nên rõ ràng và sắc sảo. Trái lại sức ảnh hưởng sẽ giảm xuống nếu thông điệp trở nên nhàm chán. Một trong những cách thức hiệu quả nhất để giữ cho thông điệp luôn sống động chính là lồng thêm vào các câu chuyện ngắn gọn, được cập nhật liên tục để minh họa cho thông điệp và chứng tỏ tính đương thời của nó.
Có thể bạn muốn sử dụng lời lẽ khác nhau khi truyền đạt một thông điệp lên giám đốc điều hành hay nhân viên lễ tân. Sự kiên nhẫn là cần thiết nhưng cách bạn thực hiện cần tính tới từng đối tượng nghe cũng như mức độ sẵn sàng tiếp thu thông điệp.
Truyền đạt hiệu quả nghĩa là vận dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau bao gồm văn bản, nói miệng và các phương tiện điện tử. Người ta sẽ tiếp thu thông điệp qua các phương tiện khác nhau đó – có những người cần nghe đi nghe lại thông điệp trong nhiều dịp thì mới tiếp thu hoàn toàn.
Duy trì việc truyền đạt thành công là quan trọng. Khi bạn nắm vai trò trưởng nhóm, vận dụng các phương thức khác nhau để củng cố thành công của nhóm chính là nhiệm vụ của bạn dù bạn khiêm nhường và không cần thu hút sự chú ý từ thành công của nhóm.
Hãy luôn nhớ rằng truyền đạt là một quá trình hai chiều. Bạn muốn thông điệp của mình được truyền đạt, nhưng đừng để mình rơi vào cảnh trò chuyện với người điếc. Thấu hiểu điều người khác nói và suy ngẫm quan điểm của họ trong cuộc giao tiếp sẽ khiến họ càng muốn gắn kết hơn với bạn.
Một điều khác cũng rất quan trọng chính là để ý khi nào bạn ngừng giao tiếp. Trong bối cảnh áp lực công việc nặng nề hay các vấn đề khó khăn cần được giải quyết thì thiếu vắng truyền đạt thông tin có thể khiến người ta bất ổn. Không ngừng truyền đạt, bất kể áp lực ra sao, luôn rất cần thiết đối với bất cứ tập thể nào để gắn kết và được gắn kết.
Thực hành
- Đánh giá xem bạn có giỏi duy trì việc truyền đạt.
- Thẳng thắn với các kiểu truyền đạt hiệu quả cho bạn và vận dụng chúng.
- Cân nhắc mở rộng các phương thức truyền đạt với nhân viên, đồng nghiệp cũng như những người liên quan chủ chốt khác.
- Đảm bảo truyền đạt là một quá trình hai chiều: có đối thoại chứ không phải chỉ mình bạn đưa ra thông điệp.
- Suy ngẫm về các bước tiếp theo để hoàn thiện việc giao tiếp với những người bạn muốn gây ảnh hưởng nhiều nhất.