Tiến bộ có thể nảy sinh từ sự im lặng và yên tĩnh, chẳng thua gì hoạt động và nói năng.
Ý tưởng
Khi Clive Woodward cấu trúc lại đội England Rugby Union hồi năm 1999/2000, ông giới thiệu một phương pháp tiếp cận khác về tư duy hiệp hai. Thông lệ nghỉ giữa hiệp bao gồm hai phút tuyệt đối im lặng khi các cầu thủ suy nghĩ về thành tích thi đấu, lau khô mồ hôi và thay bộ quần áo thi đấu mới.
Tiếp sau ba phút đánh giá của huấn luyện viên, và ba phút kết luận của huấn luyện viên và đội trưởng, là thêm hai phút im lặng tưởng tượng cú phát bóng. Clive Woodward sử dụng hành động mang tính biểu tượng là mặc áo sạch kết hợp với im lặng để tạo nên một tâm thế mới mẻ cho hiệp hai.
Ta sống trong một thế giới vận động chóng mặt trong đó lời lẽ ngụ ý hành động. Ta có thể nghe được lời nói của bất cứ ai bất cứ khi nào nhờ công nghệ thông tin. Nhưng thường thì những khoảnh khắc có sức mạnh nhất lại là những lúc im lặng khi ta suy ngẫm và quyết định xem sẽ làm gì tiếp theo. Thường thì những khoảnh khắc chuẩn bị tốt nhất chính là những giây phút im lặng khi ta xác định hai hay ba điểm cốt yếu ta muốn trình bày trong một cuộc họp nào đó.
Người huấn luyện ở vai trò lãnh đạo cho phép im lặng và yên tĩnh ngay trong cuộc đối thoại. Đôi khi đối tượng huấn luyện chợt im lặng và cần xử lý một phản ứng cảm xúc. Lúc khác, nhà quản lý ở vai trò huấn luyện có thể gợi ý đối tượng dành vài phút suy ngẫm những bước tiếp theo trong cách họ xử lý một tình huống. Phương pháp hay là đề xuất nghỉ ba phút để dùng một tách cà phê, giúp đối tượng nghĩ cho thấu những bước tiếp theo.
Thực hành
- Coi im lặng là có hiệu quả.
- Nhận biết khi nào sự im lặng là cần thiết để người khác suy nghĩ kỹ càng về các bước tiếp theo.
- Tạo điều kiện cho sự im lặng và không cảm thấy bạn buộc phải lấp đầy chỗ trống.
- Xây dựng thấu hiểu chung về việc sử dụng sự im lặng sao cho hiệu quả.
- Nhận biết xem một người cần im lặng bao lâu để đúc kết các bước tiếp theo của họ.