Cố gắng lắng nghe những cảm xúc đằng sau từ ngữ và quan sát tác động lẫn nhau giữa cảm xúc với đối thoại bằng lời có thể rất hữu ích.
Ý tưởng
Dữ liệu luôn luôn được truyền phát thông qua cảm xúc. Tất cả chúng ta đều chịu tác động từ cảm xúc của người khác nhanh hơn nhiều so với ta ý thức được. Đôi khi những phản ứng cảm xúc của ta đẩy ta bật ra một từ ngữ tiếp theo nào đó mà ta không hề tính trước. Sự hoán đổi cảm xúc thường mau lẹ và khó lường hơn nhiều so với từ ngữ.
Đôi khi đặt ra một câu hỏi dứt khoát với bản thân, “ta đang quan sát thấy những cảm xúc gì và chúng đang mách bảo điều gì với ta?” lại rất hữu ích. Đôi lúc, khi một ai đó tranh luận trong một trường hợp cụ thể nào đó và có vẻ chán nản, đó có thể là cảm xúc nảy sinh từ một vụ việc khác đang chi phối cách nhìn nhận của họ. Đau buồn trong đời sống riêng tư, hay nỗi chán nản từ một khía cạnh khác trong công việc của một người, có thể trở thành phản ứng cảm xúc lấn vào một cuộc tranh luận hoặc vào lúc cần ra một quyết định.
Nhiễu động cảm xúc từ những lĩnh vực khác trong cuộc sống của một người có thể dễ dàng làm hỏng tư duy của họ. Khi biết được những vấn đề họ đang phải xử trí trên khắp các lĩnh vực công việc và cuộc sống, thì trong lúc lắng nghe cảm xúc của họ, ta đã có chuẩn bị sẵn sàng hơn để phân biệt giữa gánh nặng cảm xúc với những hiểu biết sáng suốt xuất phát từ cách nhìn bằng cảm xúc của họ.
Henry biết là có chuyện không vui trong một nhóm cộng sự. Anh không chắc bao nhiêu trong đó là có thực, bao nhiêu là kết quả sinh ra từ những chán nản ngoài công việc. Anh để ý thấy một người phải quản một đứa con tuổi teen cứng đầu, trong khi một người khác thì phải lo liệu cho cha mẹ mắc chứng mất trí, còn một cộng sự thứ ba thì đang gặp khó khăn tài chính sau khi ly dị. Một cộng sự khác thì thất bại trong ứng cử trở thành đối tác cao cấp của một doanh nghiệp khác.
Henry nói chuyện riêng với từng cộng sự để hiểu được công việc của họ có gì mãn nguyện hay đáng chán, và để hiểu được quan điểm rộng hơn từ đời sống riêng tư của họ. Trong những cuộc trò chuyện ấy anh lắng nghe cảm xúc của họ và đánh giá liệu cảm xúc của họ hạn chế hiệu quả làm việc của họ đến mức nào. Henry cố gắng giúp mỗi người sắp xếp ưu tiên cho công việc và sức lực của họ. Henry thông cảm với hoàn cảnh cá nhân của họ mà không để điều đó dẫn tới việc đối xử với họ theo cách thương cảm quá lố.
Thực hành
- Lắng nghe kỹ càng cả cảm xúc lẫn từ ngữ.
- Dành thời gian tìm hiểu lý do gây ra các phản ứng cảm xúc.
- Lưu ý xem khi nào phản ứng cảm xúc làm hỏng cách nhìn của ai đó.
- Hãy thông cảm khi có những nhân tố ngoại vi dẫn tới những tình huống khó khăn về cảm xúc, trong khi vẫn giữ cách nhìn độc lập và khách quan.
- Ý thức khi nào cảm xúc riêng của bạn cũng dự phần và lắng nghe xem cảm xúc đang mách bảo cho bạn điều gì về một tình huống cụ thể nào đó đang diễn ra.