Mỗi người có cách học khác nhau và ở cấp độ khác nhau. Khi ta nhận biết được cách học ở từng người học, ta có thể điều chỉnh phương pháp tiếp cận cho phù hợp với nhu cầu của họ.
Ý tưởng
Có những người cần biết mọi lý thuyết trước khi họ chịu bắt đầu tiến hành thực nghiệm. Họ hẳn phải đọc toàn bộ sách hướng dẫn trước khi sẵn sàng bắt tay vào sử dụng thiết bị mới. Với những người khác, học hỏi thiên về thực nghiệm hơn: sách hướng dẫn chỉ được đọc sau khi họ đã thực nghiệm bằng cách nhấn mọi nút bấm.
Một số người học hỏi bằng cách quan sát và suy ngẫm và rồi dần dà khai triển các bước. Người khác lại học bằng cách bắt đầu trò chuyện và làm sáng tỏ những hiểu biết của họ trong lúc nói ra.
Trong các cuộc trò chuyện để huấn luyện, có những người học hỏi hiệu quả nhất nhờ được khơi gợi thông qua những câu hỏi khiến họ suy ngẫm về chính kinh nghiệm của mình. Họ cần không gian yên tĩnh để suy nghĩ. Thời gian xen giữa các cuộc trò chuyện để huấn luyện sẽ đặc biệt quan trọng vì các ý tưởng xuất phát từ một cuộc trò chuyện huấn luyện cần nảy mầm trước khi phát triển thành điều gì đó tươi mới và khác biệt.
Với những người khác, tư duy sáng rõ xuất hiện ngay trong cuộc trò chuyện huấn luyện khi họ bàn cho thông vấn đề và bắt đầu hình thành các bước đi tiếp theo. Với những đối tượng này, có thể sẽ có những khoảnh khắc “đột nhiên vỡ vạc” ra chuyện gì trong một cuộc trò chuyện huấn luyện, hoặc bỗng dưng sáng tỏ về đường hướng tiếp theo.
Với một số người, điều quan trọng là rời khỏi cuộc trò chuyện huấn luyện với một vài hành động thực tế để tiến hành. Với những người khác, “cẩm nang” tốt nhất mang về là một câu thần chú mà họ có thể khắc sâu trong trong đầu, như ‘Mình sẽ quyết liệt hơn về việc X’, hay ‘Mình sẽ phải đưa ra quyết định về Y’. Với người khác nữa, vào cuối buổi gặp có thể họ sẽ ghi chú những nhân tố mấu chốt cần phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định và họ biết rõ mình sẽ cân nhắc những nhân tố ấy ra sao.
Vic biết rằng Rashida cần nhiều thời gian mới có thể ra quyết định. Anh xem vai trò của mình là gieo ý tưởng rồi để Rashida tự suy ngẫm. Hối thúc cô đưa ra kết luận chính xác vào cuối buổi trò chuyện huấn luyện chỉ khiến cô thủ thế. Vic biết sau một cuộc trao đổi để huấn luyện Rashida cần có thời gian xử lý suy nghĩ của mình.
Mô hình phát huy hiệu quả là vào cuối cuộc trò chuyện huấn luyện, Vic nói anh rất mong được biết Rashida kết luận thế nào sau vài ngày nữa. Rồi cô sẽ gửi cho anh một ghi chép ngắn gọn, tóm tắt lại trong vài câu kết luận của cô. Vic rất hài lòng vì anh đã tìm ra một mô hình phát huy tác dụng với Rashida.
Thực hành
- Quan sát cách mỗi người học hỏi.
- Nương theo cách học hỏi của đối tượng huấn luyện.
- Căn nhịp độ trò chuyện theo cách tối đa hóa việc học hỏi ở đối tượng huấn luyện.
- Đảm bảo cách bạn kết lại một cuộc trò chuyện huấn luyện đồng nhất với cách đối tượng có thể đúc kết và áp dụng bài học thu được từ cuộc trò chuyện đó.
- Luôn nhớ rằng cách học của người khác khác cách học của bạn.