Tìm cách nào đó để người ta đúc kết những gì họ học được giúp đảm bảo rằng kiến thức ấy khắc sâu trong tương lai.
Ý tưởng
Với một số người thì nói chuyện kỹ càng về những gì họ đã học được chính là cách khắc sâu kiến thức ấy. Trò chuyện với một đồng nghiệp hoặc bạn bè tin cẩn về cách họ xử lý một vấn đề nào đó là rất quan trọng cho việc đúc kết những gì họ học được.
Với người khác, cách tiếp cận hay nhất là dùng một cuốn sổ ghi chép vào mỗi cuối tuần xem họ đã học được gì trong tuần. Giá trị của phương pháp này là nó cho phép đối tượng nhìn lại những gì họ đã học được qua nhiều tuần.
Người huấn luyện ở vai trò quản lý có thể đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện cho ai đó thấy rõ quy trình nào cần thiết phải có để đúc kết những gì họ học được và nhắc cho họ nhớ hành trình học hỏi đã trải qua.
Một câu hỏi phụ nữa có thể là, “anh/chị sẽ củng cố những hiểu biết ấy thế nào trong vài tuần tới?” Nếu đối tượng chủ trì thành công một cuộc họp, thì họ cần chủ trì thêm nhiều cuộc họp khác để khắc sâu hơn nữa kiến thức này. Nếu ai đó đã trình bày bài giới thiệu trước 100 người và nắm được các kỹ thuật phát huy tác dụng với mình, thì việc thực hiện một bài giới thiệu khác sau đó vài tuần sẽ khắc sâu hơn nữa phương pháp hiệu quả ấy.
Rachel rất e dè về việc giảng bài trước một giáo đoàn đa dạng ở nhà thờ, bao gồm các đối tượng khác biệt lớn về tuổi tác, trình độ giáo dục và bối cảnh xã hội. Các bài giảng đầu tiên của cô quá nặng lý thuyết. Nhờ có sự giúp đỡ của William, Rachel đưa vào trong bài giảng của mình thêm nhiều câu chuyện, khiến bài giảng trở nên thực tế hơn.
Thực hành
- Hỏi xem đối tượng đang học hỏi được gì.
- Khuyến khích họ tìm ra cách nào hiệu quả với họ để ghi lại những gì học được.
- Khuyến khích họ suy gẫm cách khắc sâu những hiểu biết này.
- Đề nghị mọi người định kỳ suy ngẫm về những gì họ đã học được trong vòng vài tháng gần nhất và chúc mừng tiến bộ họ đã đạt được trong việc học hỏi.