Các copywriter (trong đó có tôi), các hãng tiếp thị trực tiếp và khách hàng đã nhiều lần gặp các bài viết dài nhưng lượng thông tin cung cấp thì chả bao nhiêu. Vì sao tôi lại khuyên bạn viết ngắn? Ý tưởng này không muốn nói nhiều về độ dài tổng thể của bài viết mà là tính súc tích của nó.
Nếu bạn có thể diễn đạt một ý trong vòng tám từ thì đừng dùng đến 15 từ. Nếu bạn có thể diễn đạt một ý trong ba từ, tại sao phải dùng đến tám từ? Thái độ thẳng tay khi biên tập bài viết của bạn sẽ khiến nó chặt chẽ hơn, cũng giống như việc cột dây buồm cho chiếc du thuyền của bạn, tất cả nhằm hạn chế tối thiểu những yếu tố gây ảnh hưởng đến hiệu năng hoạt động của nó.
Ý tưởng
Từ Winston Churchill.
Tôi đã dùng lời trích dẫn này trong cuốn sách đầu tiên của mình, Write to Sell (Viết để bán), nên tôi xin lỗi nếu bạn đã đọc nó rồi. Nhưng nó vẫn tiếp tục được lặp lại (và đọc lại) vì sức mạnh đáng kinh ngạc của nó.
Churchill đã viết bức điện này cho Tướng Alexander – Tổng tư lệnh vùng Trung Đông – vào ngày 10 tháng 8 năm 1942:
Trách nhiệm chính yếu và quan trọng nhất của ông là chiếm hoặc tiêu diệt quân đội Đức-Ý được chỉ huy bởi Field Marshal Rommel cùng với tất cả các trang bị và lực lượng của họ ở Ai Cập và Libya ngay khi có cơ hội.
Chỉ trong 35 chữ (trong nguyên bản tiếng Anh), ông ấy đã gói gọn toàn bộ chiến dịch, từ mục đích đến mục tiêu và thời gian.
Khi bạn ngồi xuống để viết bài viết tiếp theo của mình, hãy nhớ đến điều này. Có thể bạn đam mê sản phẩm mà mình đang chào bán vì bạn phát minh ra nó, buôn bán nó, sản xuất hoặc cung cấp nó… Nhưng độc giả của bạn thì không. Ba hoa về sản phẩm sẽ không mang lại ích lợi gì cho việc làm ăn của bạn.
Hãy đảm bảo là bạn luôn luôn dùng từ ngữ ngắn gọn và chặt chẽ. Đừng nói nó có “chiều dài 27 mét”, hãy nói nó “dài 27 mét”. Đừng nói “Chúng tôi đóng tại thành phố Birmingham”. Hãy nói “Chúng tôi ở Birmingham”.
Sẽ tốt nếu bạn cắt bớt bản thảo đầu tiên đi 30%. Bây giờ bạn đã có đủ không gian để viết thêm nhiều lợi ích của sản phẩm trong bài viết của mình, hoặc bạn có thể nói tất cả những gì bạn cần để bán hàng và độc giả sẽ ít phải tốn công hơn trước khi quyết định mua hàng.
Thực hành
- Đừng lo lắng về tính hàm súc khi bạn viết bản thảo. Thay vào đó, hãy tập trung kể với độc giả một câu chuyện hấp dẫn về sản phẩm của bạn và vì sao họ nên mua nó. Để việc biên tập lại ở bản thảo thứ hai.
- Xem xét các tính từ sáo rỗng, dông dài, kiểm tra việc lặp từ, thừa từ và đặc biệt tránh viết để làm mình hài lòng mà không chú ý đến độc giả.