Thuyết ba nhân tố dựa trên giả thuyết rằng người lao động có những nhu cầu cơ bản mà việc quản lý nên và có thể đáp ứng. Tạo ra một môi trường mà ở đó những nhu cầu này được đáp ứng sẽ có kết quả là người lao động làm việc nhiệt tình hơn.
Ý tưởng
Trong suốt ba thập niên cuối của thế kỷ 20, công ty tư vấn Sirota ở Mỹ đã khảo sát 237 tổ chức trên thế giới ở các ngành nghề khác nhau, thu thập hơn 2 triệu câu trả lời về việc điều gì mà người lao động muốn có ở nơi làm việc. Nghiên cứu này chỉ ra rằng có ba nhóm mục tiêu chính cho mọi người ở nơi làm việc (được biết đến dưới cái tên “thuyết ba nhân tố”): sự công bằng, sự thành đạt, và sự thân thiết. Đối với hầu hết người lao động, không có nhân tố nào quan trọng hơn nữa. Các nhân tố này không thay đổi trong thời gian gần đây, và xuyên suốt các nhóm tuổi, các nhóm văn hóa. Sirota tin tưởng rằng việc lập được các chính sách và thực thi đồng điệu các chính sách này với các mục tiêu là chìa khóa để người lao động gắn bó với tổ chức.
Thực hành
Đáp ứng được các mục tiêu về sự công bằng, sự thành đạt, và sự thân thiết là chìa khóa để có tinh thần và sự gắn bó cao từ người lao động, và là điều kiện để thành công lâu dài. Mức độ mà ba nhân tố này với mỗi người không quan trọng bằng việc chúng có tác động lớn đến tất cả mọi người.
Sự công bằng. Điều này có nghĩa là được đối xử công bằng trong mối liên hệ với các điều kiện cơ bản về công việc. Các điều kiện này là:
- Về thể chất – chẳng hạn có một môi trường làm việc an toàn hay khối lượng công việc trong khả năng xử lý.
- Về kinh tế – bao gồm tiền lương, lợi ích, và sự bảo đảm việc làm.
- Về tâm lý – được đối xử trước sau như một, công bằng, chu đáo, và được tôn trọng.
Cảm giác về sự công bằng sẽ chịu ảnh hưởng của ý thức về ứng xử quan hệ. Ví dụ mọi người tự hỏi tôi có đang được đối xử công bằng so với đồng nghiệp của tôi không.
Thành đạt. Nghĩa là làm cho người lao động có được niềm tự hào từ các thành quả của mình và được công nhận cho những thành quả đó, và mang lại niềm tự hào cho thành quả của cả nhóm. Nghiên cứu của công ty tư vấn Sirota cho thấy cảm nhận thành đạt đến từ sáu nguồn chính:
- Thách thức của công việc và mức độ mà một nhân viên vận dụng kỹ năng và năng lực của họ.
- Thu thập những kỹ năng mới và cơ hội để phát triển, chấp nhận rủi ro, và mở rộng tầm nhận thức cá nhân.
- Khả năng thể hiện – và có được những nguồn lực, quyền hạn, thông tin, và sự hỗ trợ để làm tốt công việc.
- Nhận thức được tầm quan trọng của công việc – hiểu rằng công việc có một mục đích và giá trị đối với công ty, khách hàng, hay đối với toàn xã hội.
- Được công nhận về thành tích – có tính vật chất lẫn phi vật chất.
- Niềm tự hào về tổ chức – có được từ mục đích của công ty, sự thành công, đạo đức, phẩm chất của hàng ngũ lãnh đạo, cũng như chất lượng và ảnh hưởng của sản phẩm mà công ty sản xuất.
Sự thân thiết. Nhân viên thích có những mối quan hệ ấm áp, thú vị, và hợp tác ở nơi làm việc. Những khía cạnh quan trọng nhất của sự thân thiết là:
- Những mối quan hệ với đồng nghiệp.
- Làm việc nhóm trong bộ phận của người lao động.
- Làm việc nhóm với người của các phòng ban khác nhau trong cùng một địa điểm cụ thể.
- Làm việc nhóm và hợp tác trong toàn công ty.
Sự công bằng là nhân tố quan trọng nhất để hình thành sự gắn bó của người lao động. Khi sự công bằng ở mức thấp, ngay cả nếu như nhân tố thành đạt và sự thân thiết ở mức cao thì nhiệt tình nhìn chung có thể bị giảm đi hai phần ba.
Sự nhiệt tình của nhân viên sẽ mang lại những lợi thế cạnh tranh đầy ý nghĩa, vì nó ảnh hưởng đến tất cả các mặt của thành công trong kinh doanh, bao gồm cả sự hài lòng của khách hàng. Cuối cùng, thành công sẽ tạo ra thành công, cũng như tinh thần sẽ điều khiển hoạt động và hoạt động sẽ đề cao tinh thần trong một vòng tròn hoàn hảo.