Đúng giờ là một trong những thói quen lâu đời. Nó cùng một dạng với lịch sự, và là thứ mà chúng ta được dạy rằng chẳng tốn kém gì cũng có được. Cả hai điều đó đều quan trọng, và sự đúng giờ có quan hệ với ý tưởng đã được trình bày trong quyển sách này là bạn không nên lãng phí thời gian của khách hàng. Nếu khách hàng đề nghị bạn đến gặp vào lúc 10 giờ sáng hay là bất cứ giờ nào thì bạn hãy cứ làm như thế.
Hãy sắp xếp mọi việc để bạn có thể đến gặp họ. Điều này có nghĩa là phải tính đến mọi việc từ chuyện bắt đầu đi lúc nào để đến gặp khách hàng đúng giờ, đến việc tìm trước nơi có thể đậu xe. Đừng phí 10 phút lái xe vòng quanh rồi đến trễ, cằn nhằn với lời than trách cũ rích về tình trạng giao thông khủng khiếp. Bạn có thể chữa cháy với lời than phiền kiểu như vậy, nhưng cũng có thể rắc rối vì nó. Nếu mọi việc cuối cùng được cân nhắc, thì việc đến trễ là thứ sẽ nằm bên phía tiêu cực, khi lời chào hàng của bạn được xem xét.
Ý tưởng
Từ một cửa hàng chuyên dịch vụ thay lốp xe nhỏ…
Một nhân viên bán lốp xe cho một công ty xây dựng có đội xe gồm những chiếc xe tải lớn và các thiết bị làm đường đã theo đuổi một khách hàng tiềm năng nọ trong một thời gian. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng khách hàng này đồng ý gặp anh ta. Họ hẹn đúng 8 giờ sáng, và nói rõ “Hãy đến đúng giờ nhé. Đó là cơ hội duy nhất mà anh có”. Để đến gặp khách hàng, nhân viên nọ phải lái xe mất ba giờ, điều đó có nghĩa là phải đi từ rất sớm. Hẳn sẽ dễ hơn rất nhiều nếu xin một cuộc hẹn trễ hơn, hay cứ việc đến trễ bất chấp việc gì.
Nhưng nhân viên này đã không làm thế. Anh ta nhận lời với sự cảm kích, dậy vào lúc sáng tinh mơ và lái xe suốt chặng đường dài, vừa lái xe vừa ăn sáng. Anh ta ngồi ở khu vực tiếp tân tại trụ sở của khách hàng tiềm năng 10 phút trước giờ hẹn. Cuộc gặp diễn ra tốt đẹp, hãng này đặt đơn hàng đầu tiên, và cuối cuộc gặp (lý do mà tôi được kể, và nhớ rõ nó) khách hàng đã nói như thế này: “Tôi phải xin lỗi vì bắt anh đến đây quá sớm. Tôi biết anh chắc phải bắt đầu đi từ rất sớm, nhưng nếu chúng tôi định làm ăn với anh, tôi cần tin chắc các cam kết của anh về dịch vụ. Lần sau ta ăn trưa nhé.”
Không ngượng gì với một phép thử như vậy. Nếu nhân viên bán hàng nọ than phiền về giờ hẹn và đến trễ, anh ta có lẽ sẽ không bao giờ nhận được đơn đặt hàng từ một khách hàng lớn và thường xuyên.
Thực hành
- Hãy đúng giờ. Điều này có thể đáng giá hơn bạn nghĩ.
- Nhận biết được mục đích các phép thử, và có lẽ cũng nên bày ra một vài phép thử. Có thể hiểu các phép thử này là nhằm giúp khách hàng an tâm hơn.